Tham gia chương trình có đại diện: Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng, Phòng Quản lý Đô thị Quận 1 và UBND Thành phố Thủ Đức.
Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang phát triển trên cơ sở đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24 ngày 06/01/2010.
Bên cạnh những hiệu quả mang lại sau 10 năm triển khai vào thực tế, quy hoạch chung này đã và đang bộc lộ một số bất cập cần được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với quy mô dân số, tốc độ phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội và hội nhập quốc tế.
Việc điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Hồ Chí Minh lần này sẽ được thiết kế trên cơ sở kế thừa của đô thị hiện hữu, khắc phục các mặt tồn tại, định hướng tầm nhìn để đón những cơ hội mới; Cụ thể hóa các đề án, chủ trương, định hướng và chương trình thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025).
Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả cao nhất, các ngành chức năng, chuyên gia và kể cả mỗi người dân thành phố cần có những suy nghĩ, hành động cụ thể, để góp phần xây dựng thực hiện hiệu quả đề án.
Trên cơ sở phân tích thực tế, Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng cho biết thêm các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại của đồ án quy hoạch cũ và định hướng điều chỉnh đồ án quy hoạch mới.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch, Sở Quy hoạch Kiến trúc khẳng định: "Lần này làm quy hoạch là phải đổi mới theo hướng tích hợp đa ngành và có tính kết nối hơn. Vấn đề thứ hai là nâng cao chất lượng tính khả thi của quy hoạch, tháo gỡ những vướn mắc pháp lý, phải có sự rà soát và giải quyết được các vấn đề pháp lý đó.
Thứ ba là nhóm giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch. Trong đó, có vấn đề kêu gọi, phối hợp tổ chức nguồn lực ra sao, trách nhiệm của tất cả các bên, từ người dân, nhà đầu tư, nhà quản lý…Đó là nỗ lực tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân thì đồ án mới khả thi được".
Ông Ngô Anh Vũ, PGĐ phụ trách Viện Quy hoạch Xây dựng khuyến nghị lần điều chỉnh này cần đổi mới cách làm quy hoạch:
1) các chuyên gia tạm thời "quên" đi ranh hành chính của Thành phố để không bị bó buộc tư duy của mình khi bố trí các khu chức năng - (khu có địa chất tốt và điều kiện thuận lợi sẽ ưu tiên phát triển nén, khu có điều kiện không thuận lợi sẽ hạn chế phát triển), sau khi định hình bản quy hoạch mới sẽ áp ranh hành chính vào để quản lý;
2) Trước đây cấu trúc đô thị theo mô hình "tập trung - đa cực" là nhằm tạo 4 lực hút từ 4 cực ở các phía Đông - Tây - Nam - Bắc của Thành phố nhằm kéo giãn áp lực vào khu trung tâm. Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực nên chỉ mới có khu A - khu đô thị mới Nam TPHCM được hình thành, 3 "cực" còn lại chưa được đầu tư xây dựng trong khi khu Trung tâm có dấu hiệu lan rộng đến gần với các "cực" nên mô hình trên chưa hiệu quả. Do vậy, có thể cân nhắc phân bổ một số chức năng trung tâm khu vực (liên quận) của các "cực" sang cho các trung tâm của quận - huyện với mô hình "đa trung tâm", giống như trước đây chúng ta sử dụng một bóng đèn công suất lớn thì với công nghệ ngày nay có thể chuyển sang dùng chùm bóng LED li ti để cộng hưởng và linh hoạt hơn, dễ ứng phó hơn vì có "đứt" một bóng LED thì không ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả chiếu sáng;
3) Đô thị phát triển truyền thống thường chú trọng đến mặt tiền các tuyến giao thông (bộ) chính, kỳ này phải bổ sung thêm mặt tiền sông, xung quanh khu vực nhà ga metro theo mô hình TOD hiện đại và không gian ngầm cũng phải "nổi" lên trong nghiên cứu;
4) Ở cấp độ quy hoạch chung cần mang tính chiến lược, do đó không chỉ chú trọng phần vẽ mà phần viết cũng phải được quan tâm tương xứng, nghĩa là sau khi có được bản quy hoạch có tìm nhìn xa thì xây dựng ngay một chương trình thực thi với kế hoạch thật cụ thể theo từng giai đoạn, chỉ ra đơn vị chịu trách nhiệm, cơ quan phối hợp, thực thi và thường xuyên rà soát hiệu chỉnh kịp thời kế hoạch cho phù hợp với thị trường.
Thời gian qua, Ban Đô thị, Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có những chuyến đi khảo sát thực tế, đánh giá về tình hình thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung thời gian qua, và cũng có những đóng góp thiết thực trong triển khai đề án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Đô Thị Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Nhiệm vụ về chỉnh trang tái phát triển đô thị và phát triển khu đô thị mới phải được chú trọng ngang nhau về điều chỉnh quy hoạch, tăng cường kết nối vùng với thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò là hạt nhân, trung tâm tài chính, sáng tạo, logistic và thu hút đầu tư.
Với mục tiêu đó, chỉ các khu đô thị mới như Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức, đô thị biển Cần Giờ sẽ đóng vai trò là những nhân tố nổi trội để thu hút nguồn lực và tận dụng các thế mạnh, tạo sự phát triển đồng đều, đúng với tiềm năng của từng địa phương mà vẫn đảm bảo được tăng trưởng xanh và bền vững".
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cũng cần nghiên cứu các yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu phù hợp với chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trong tình hình mới và phù hợp với quy hoạch chung thành phố; Đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền và nhân dân, xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị của sự đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, bền vững.
Đài phát thanh TP.HCM (VOH) tháng 3/2021